Biện pháp tu từ Mùa Xuân Xanh | Phân tích Ngữ Văn 11

Câu hỏi: Biện pháp tu từ Mùa Xuân Xanh?
Bạn đang xem: Biện pháp tu từ Mùa Xuân Xanh | Phân tích Ngữ Văn 11
Trả lời:
Biện pháp tu từ Mùa Xuân Xanh gồm:
Biện pháp nhân hóa:
- Cỏ có tư thế, tâm trạng như con người: nằm, đợi.
- Hiệu quả: Khiến thiên nhiên, cây cỏ có hồn, sinh động, náo nức đợi chờ.
Nghệ thuật đối giữa hai câu thơ:
- Cỏ nằm trên mộ đợi thanh minh đối với Tôi đợi người yêu đến tự tình.
- Hiệu quả: Nhấn mạnh sự giao hòa giữa thiên nhiên với thiên nhiên, giữa con người với con người, giữa thiên nhiên với con người lúc xuân sang. Tất cả như ngập tràn trong hơi thở tình yêu.
Cùng THPT Ninh Châu phân tích bài Mùa xuân xanh để thấy rõ hơn hiệu quả của hai biện pháp tu từ Mùa Xuân Xanh trên nhé!
Phân tích bài Mùa xuân xanh – Mẫu 1
Mùa Xuân Xanh là một bài thơ hay và đặc sắc của nhà thơ Nguyễn Bính. Ông là một nhà thơ vang danh của nền thơ ca Việt Nam. Chặng đường sự nghiệp của ông đã để lại ấn tượng lớn đối với bạn đọc
Thơ Nguyễn Bính “chân quê”, giản dị, mộc mạc, nhẹ nhàng, trong sáng, và hồn nhiên như ca dao trữ tình. Ông viết về làng quê qua lăng kính tình cảm lãng mạn, biểu lộ một tình quê, một hồn quê chân tình và gần gũi
Hôm nay, chúng ta cùng nhau cảm nhận bài thơ Mùa Xuân Xanh của ông nhé!
Mùa xuân là cả một mùa xanh
Giời ở trên cao, lá ở cành
Lúa ở đồng tôi và lúa ở
Đồng nàng và lúa ở đồng anh.
Cỏ nằm trên mộ đợi thanh minh
Tôi đợi người yêu đến tự tình
Khỏi luỹ tre làng tôi nhận thấy
Bắt đầu là cái thắt lưng xanh.
Người ta vẫn thường nói “một năm bắt đầu từ mùa xuân, đời người bắt đầu từ tuổi trẻ”. Và như vậy, có thể nói mùa xuân gắn liền với mọi sự bắt đầu.
Niềm mong đợi, nỗi khát khao mùa xuân thổn thức trong trái tim mỗi người ở những cung bậc, những cường độ khác nhau. Có thể đứng ở những ngã rẽ thời gian, những trạng thái tâm lý khác nhau con người ta nhìn mùa xuân cũng khác nhau. Song điều chắc chắn là tất cả đều hướng đến mùa xuân như hướng đến sự khởi đầu tuyệt diệu và nhiều hứa hẹn. Và một điều chắc chắn nữa, mùa xuân trong cảm quan tuổi trẻ – lứa tuổi bắt đầu cho một đời người – là đẹp nhất. Bởi, đó là mùa của tình yêu hò hẹn, của khát vọng ước mơ, của chờ đợi, yêu thương, hờn dỗi, mà nói như thi sĩ Nguyễn Bính – đó là “mùa xuân xanh”.
Ngay từ tựa đề, bài thơ đã đưa người đọc đến với thế giới của “màu hy vọng”. Chẳng phải màu vàng của “mùa xuân chín” trong thơ thi sĩ họ Hàn, chẳng phải sự nuối tiếc thở than như chàng thi sĩ đa tình Xuân Diệu: “Còn xuân… nhưng chẳng còn tôi mãi”.
Nguyễn Bính để cho nhân vật trữ tình của mình hướng tới mùa xuân và nhìn mùa xuân trong một tâm thế thật thoải mái. Trong đôi mắt yêu đời với dạt dào những cảm tình tươi trẻ, mùa xuân được hiện lên với những gì vốn có của nó:
Mùa xuân là cả một mùa xanh
Giời ở trên cao lá ở cành
Lúa ở đồng tôi và lúa ở
Đồng nàng và lúa ở đồng anh.
(Mùa xuân xanh)
Một bầu trời màu xanh, những tán lá tươi xanh, những cánh đồng ngát xanh… tất cả cùng dệt nên một tấm thảm màu xanh trải rộng trong cả không gian bất tận của mùa xuân. Điều thú vị là trong ngút ngàn màu xanh ấy, người đọc bắt gặp một tâm sự, một niềm hy vọng thầm kín cũng thật xanh.
Cảnh là tình, điều đó hiện hữu rõ trong ánh mắt và tâm tình thầm kín của nhân vật trữ tình, nó cũng hiển hiện nhờ màu xanh của mùa xuân như trên từng nấm mộ kia cỏ đang nằm đợi tết thanh minh để xanh thêm màu lá.
Mộc mạc, chân thật, lời thơ vừa buông ra ta như đã cảm thấy gần hơn rất nhiều với nhân vật trữ tình. Trong hương sắc của mùa xuân, chàng trai không ngần ngại và giấu giếm mà có thể bộc bạch lòng mình thật nhất:
Tôi đợi người yêu đến tự tình
Liệu niềm mong đợi chân thành kia có được đáp lại? Ta chưa biết, nhưng mùa xuân – mùa của tình yêu, của hạnh phúc lứa đôi, của màu xanh ngập tràn hy vọng thì lẽ nào niềm hy vọng nhỏ bé kia lại phải vội tắt. Trong không gian xanh ngút ngàn của mùa xuân, niềm “mong đợi người yêu đến tự tình” của chàng trai như đang được truyền đi để kiếm tìm, để nhắn gởi. Và kia, niềm hy vọng đã lóe sáng:
Khỏi lũy tre làng tôi nhận thấy
Bắt đầu là cái thắt lưng xanh
(Mùa xuân xanh)
Tấm thảm màu xanh của bài thơ được tiếp tục bởi lũy tre làng và một chiếc thắt lưng xanh. Hình ảnh chiếc thắc lưng xanh như nổi bật trên nền màu xanh của bài thơ. Một niềm hy vọng mới được đốt cháy.
Và ý nghĩa của mùa xuân, Ôi! Thật diệu kỳ. Biết đâu một mùa xuân nữa, lại một mùa xuân xanh, mùa đợi chờ lại chín:
Pháo nổ đâu đây khói ngợp trời
Nhà nhà đoàn tụ dưới hoa tươi
Lòng tôi như cánh hoa tiên ấy
Một áng thư đề nét chẳng phai.
Ngút ngàn trong một màu xanh, bài thơ đưa ta đến với những cảm giác thật nhẹ nhàng, dễ chịu song khó quên. Và ta cũng như đang mong đợi, đang hy vọng đón chờ một “mùa xuân xanh”.
Phân tích bài Mùa xuân xanh – Mẫu 2
Nguyễn Bính là một nhà thơ của thông quê Việt Nam truyền thống. Giữa bao tiếng thơ sôi nổi cất lên trong văn học Việt Nam giai đoạn 1930-1945, ông chọn cho mình một lối đi riêng tìm về khung cảnh làng quê xưa để hoài niệm thương nhớ, để tìm một sự yên lắng cho tâm hồn tránh những đa đoan rối rắm của kinh thành đô thị. Trong mạch thơ đó những bài thơ xuân của Nguyễn Bính có một ý nghĩa đặc biệt. Mùa xuân là mùa nổi rõ nhất những đặc sắc phong tục cổ truyền cũng như dễ động lòng nhất những giao cảm tình người. Nguyễn Bính lại là người sớm tha hương phiêu bạt tứ xứ, nên mỗi độ xuân về ông càng thổn thức buồn thương vọng tưởng đến quê hương, đến người thân. Ai đã một lần đọc thơ của nhà thi sĩ tài hóa đất thành Nam này mà giấu được lòng bâng khuâng xúc động trước những bài thơ xuân tuyệt tác như Mưa xuân(1936), Xuân về(1937), Thơ xuân(1937), Xuân tha hương(1941).

Cảm hứng bao trùm bài Mùa xuân xanh là một niềm vui sống yêu đời giữa ngày xuân. Mùa xuân tự nó vốn đã đẹp, vốn đã chứa nhiều hy vọng hứa hẹn của một sử mở đầu năm. Nhưng Nguyễn Bính còn nhấn mạnh thêm, tô đậm thêm cảnh đẹp và niềm hy vọng đó bằng cách gắn liền màu xanh với mùa xuân. Cả bài thơ là một bức tranh với một gam màu xanh trải rộng. Giời xanh, lá xanh, lúa xanh. Mà lúa ở đây xanh cả trên ba cánh đồng của tôi, của anh và của nàng, điều đó quả thực là một niềm vui. Khổ đầu của bài thơ chỉ mới tả cảnh thôi nhưng phập phồng trong cảnh dã có những rạo rực tình cảm con người. Khổ hai nói cái xanh tươi của sự sống ở ngày xuân lên một mức cao hơn nữa bằng một câu thơ thật nhân hậu tài tình – “Cỏ nằm trên mộ đợi thanh minh”. Mùa xuân vẫn là mùa xuân, dù cho ở nơi chôn cất người chết. Nấm mộ là một chấm dứt, kết thúc, khép lại. Ấy vậy mà ngọn cỏ trên mộ thì vẫn mọc, vẫn xanh và kỳ lạ thay cho quy luật của đất trời và tâm hồn của thi sĩ, cỏ cũng đang rạo rực được yêu, được sống. Chỉ một từ “đợi” thôi Nguyễn Bính đã làm cho cỏ không sống đời của cỏ nữa, cỏ sống đời người.
Trong khung cảnh bát ngát màu xanh đầy mời gọi, giục giã ấy xuất hiện một người yêu đợi một người yêu. Chàng đợi nàng đến bên lũy tre làng. Đó lại là một bóng mát xanh tỏa êm dịu xuống tình yêu đôi lứa. Và khi từ xa nàng hiện ra tiến lại phía lũy tre thì cái đầu tiên chàng nhận thấy ở người yêu là cái thắt lưng xanh. Câu ca dao cũ chợt hiện về: “Hỡi cô thắt lưng dây xanh/ Có về Nam Định với anh thì về”. Hình bóng đôi người yêu nhập vào màu xanh của đất trời, cây cỏ làm bức tranh xuân linh động hẳn lên. Đây là bài thơ xuân vui vẻ trong sáng nhất của Nguyễn Bính, nó không mang tâm trạng ngậm ngùi luyến tiếc khi thấy mỗi năm một trôi qua như ở các bài thơ xuân khác của ông. Bài này là một tâm tình mở rộng đón mùa xuân đến với tràn trề bao ước vọng, tin tưởng vào cuộc đời ngày mai. Như có lần nhà thơ viết: “Năm mới tháng giêng mồng một Tết/ Còn nguyên vẹn cả một mùa xuân”.
Cũng đã có lần nhà thơ sáng tạo ra một cách nói rất hay, rất thơ “cưới mùa xuân” (Chị em ơi cưới mùa xuân nhé/ Đốt pháo cho thơm với rượu hồng),nhưng ẩn sau ngôn từ đó không phải là niềm vui mà là nỗi buồn, không phải đoàn tụ mà là chia cách, không phải hạnh phúc đôi lứa mà là nỗi cô đơn cá nhâ. Một lần khác nhà thơ còn sáng tạo ra một hình ảnh độc đáo: “Tôi đi ngửa mặt trên hè nắng/ Xem những cành cây nó cưới nhau”. Tưởng tượng ra những cảnh “cưới” lạ lùng như vậy chỉ là cách để Nguyễn Bính giãi bày tâm trạng cô đơn buồn bã của mình đến rốt ráo tận cùng. Nhưng ông không bi lụy, tuyệt vọng quá mức. Ông còn nhìn thấy, hay tưởng tượng ra, một “mùa xuân xanh” cho mình và cho người. Đối với Nguyễn Bính, nhà thơ yêu mến của bao người dân Việt, trong muôn lý do của con tim để yêu, có một lý do cứ mỗi độ xuân về nhìn ra quan cảnh đất trời đổi sắc, người người dọn mình để thương nhớ chờ mong trong niềm vui đón chào một năm mới ai trong chúng ta mà chẳng có lần thốt lên như nhà thơ:
Mùa xuân là cả một mùa xanh
Tham khảo thêm: